Cộng đồng người Trung Quốc dùng mạng Internet ngày càng tăng trưởng mạnh.
Kết quả cho thấy, số lượng cư dân mạng Trung Quốc đang tăng trưởng mạnh và tiếng Trung Quốc có thể trở thành ngôn ngữ thống trị trên Internet trong vòng 5 năm tới. Nhiều blogger kháo nhau rằng, Trung Quốc đang làm tăng trưởng cộng đồng mạng với con số 445 triệu và nhanh chóng giảm cách biệt với cộng đồng 537 triệu người dùng tiếng Anh trên Internet.
Hãng tin BBC dẫn số liệu của Internet World Stats cho hay, trong vòng 12 tháng qua, Trung Quốc đã góp thêm 36 triệu người lên mạng và cứ đà này, cộng đồng tiếng Anh sẽ mất ngôi vị thống soái.
Tuy nhiên, không phải ai cũng bị thuyết phục về chuyện tiếng Anh sắp mất vị thế ngôn ngữ dẫn đầu trên Internet. "Tiếng Trung sẽ không bao giờ thay thế tiếng Anh, trở thành ngôn ngữ chính thức trên Internet", biên tập viên Greg Sterling từ chương trình Search Engine Land trên kênh Fox News, nhận xét. "Đây rõ ràng là dựa vào các con số thuần túy và quy mô cộng đồng người dùng tiếng Trung trên Internet mà thôi".
Theo BBC, ngoài tiếng Anh và tiếng Trung có độ lan rộng đáng kể thì hiện tiếng Tây Ban Nha đang chiếm 153 triệu trong tổng số 1,96 tỷ người dùng mạng. Tiếng Nhật và tiếng Bồ Đào Nha cũng nằm trên top 5 với lần lượt 99 triệu và 83 triệu.
BBC cho rằng, dù tiếng Anh đã có lịch sử phát triển thành một ngôn ngữ toàn cầu rất mạnh trong mấy thế kỷ qua, nhưng sự phát triển công nghệ hiện nay cho phép người ta tiếp xúc rộng rãi hơn với các ngôn ngữ khác.
Không chỉ trên Internet, theo tờ New York Times hồi đầu năm nay dẫn kết quả một cuộc khảo sát được Chính phủ Mỹ tài trợ, hàng ngàn trường công lập ở nước này đã bỏ các chương trình ngoại ngữ được chính phủ cấp kinh phí và đua nhau quay sang mở các lớp dạy tiếng Trung Quốc cho học sinh.
Một số trường học phải tự chi tiền cho các lớp học tiếng Trung của mình, trong khi hàng trăm trường học lại đang nhận được sự giúp đỡ trực tiếp. Chính phủ Trung Quốc đã gửi giáo viên người nước này đến các trường học khắp thế giới, trong đó có cả Mỹ và trả một phần lương cho họ. Trong thời điểm ngân sách bị thu hẹp, nhiều trường học ở Mỹ coi đây là một nguồn hỗ trợ khó có thể từ chối.
Tại Massillon, bang Ohio, Trường Jackson High School bắt đầu đưa tiếng Trung vào chương trình giảng dạy từ mùa thu năm 2007 với 20 học sinh. Parthena Draggett, Trưởng khoa ngoại ngữ của trường này cho hay, hiện các lớp tiếng Trung đã có 80 học sinh theo học.
Hiện chưa có những con số chính xác nhưng theo kết quả một cuộc khảo sát của Chính phủ Mỹ thì có khoảng 1.600 trường công lập và trường tư ở nước này đang dạy tiếng Trung, tăng 300 trường so với một thập kỷ trước. Và con số này ngày càng tăng lên.
Trong tổng số khoảng 27.000 trường cấp hai và cấp ba ở Mỹ có ít nhất một chương trình dạy ngoại ngữ, thì tỷ lệ trường đưa tiếng Trung vào giảng dạy đã tăng tới 4%, từ 1% trong giai đoạn 1997-1998, theo kết quả cuộc khảo sát được thực hiện bởi Center for Applied Linguistics, một nhóm nghiên cứu ở Washington.
Ngoài ra, số học sinh tham dự kì thi AP (chương trình chuyển tiếp tín chỉ đại học) tiếng Trung đã tăng nhanh với tốc độ đáng kinh ngạc. Nhiều khả năng, trong năm nay, tiếng Trung sẽ vượt qua tiếng Đức để trở thành ngôn ngữ phổ biến thứ ba trong chương trình AP, sau tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp, Trevor Packer - Phó chủ tịch của College Board, đơn vị thiết lập chương trình AP khẳng định.
Một thập kỷ trước, hầu hết những trường có dạy tiếng Trung chỉ ở bờ đông và bờ tây Mỹ. Nhưng vài năm trở lại đây, nhiều trường ở các bang trung tâm trong đó có Ohio, Illinois, Texas, Georgia, Colorado và Utah là những nơi vốn không có cộng đồng người Hoa sinh sống đã bắt đầu đưa tiếng Trung vào giảng dạy.
Nguyên nhân khiến việc học và dạy tiếng Trung ngày càng trở nên phổ biến hơn tại các trường học Mỹ, theo các bậc phụ huynh, học sinh và các giáo viên, thì bởi Trung Quốc đang nổi lên như là một quốc gia quan trọng. Họ tin rằng, việc thành thạo tiếng Trung có thể mở ra nhiều cơ hội hơn.
Bên cạnh đó còn có sự thúc đẩy của một chương trình hợp tác giữa Hiệp hội hơn 4.500 trường đại học và tổ chức giáo dục ở Mỹ và Hanban, một tổ chức thuộc Bộ giáo dục Trung Quốc. Theo đó, từ năm 2006, hàng trăm giáo viên và các nhà quản lý giáo dục Mỹ đã được mời đến thăm các trường học ở Trung Quốc, chi phí chuyến đi do phía Hanban cung cấp.
Nhiều người đã bắt đầu đưa tiếng Trung vào chương trình giảng dạy sau khi họ quay về Mỹ. “Tiếng Trung đang thực sự bắt rễ ở đây”, bà Parthena Draggett cho biết. Bắt đầu từ mùa thu năm nay, chương trình dạy tiếng Đức của trường sẽ bị cắt giảm dần để nhường chỗ cho các tiết học tiếng Trung.
Thu Lan
0 nhận xét: